Tặng làm Thân vương Vĩnh_Kỳ

Năm Càn Long thứ 30 (1765), Hoàng tử Vĩnh Kỳ bệnh trở nặng. Ngày 17 tháng 11 (âm lịch), Càn Long Đế phong cho Vĩnh Kỳ làm [Hòa Thạc Thân vương; 和碩親王]. Sang ngày 26, định ra chữ phong hiệu, là Vinh Thân vương (荣親王), là vị Hoàng tử thứ hai của Càn Long Đế được phong tước Thân vương, sau Định An Thân vương Vĩnh Hoàng. Chữ ["Vinh"] của Vĩnh Kỳ, Mãn văn là 「dengge」, ý là "Quang vinh", "Vinh quang". Tuy chữ Vinh này cùng Hán ngữ với Hoàng tứ tử Vinh Thân vương - con trai của Thuận Trị ĐếĐổng Ngạc phi, nhưng âm Mãn của Hoàng tứ tử là 「wesihun」, ý là “Cao quý”, “Cao thượng”, ý nghĩa cao hơn rất nhiều so với phong hiệu của Vĩnh Kỳ.

Việc phong Vĩnh Kỳ làm Thân vương, không ít ngộ nhận cho rằng Càn Long Đế ưu ái Vĩnh Kỳ nên ban cho ông tước Vương, cũng tính chuyện lập Vĩnh Kỳ làm Thái tử, nhưng thực tế lại không như vậy, việc phong Vương này chỉ đơn giản là Càn Long Đế biết Vĩnh Kỳ không thể qua khỏi, nên tặng vinh hàm. Chính là bởi vì ngay khi Vĩnh Kỳ bị bệnh thì Càn Long Đế mới ra chỉ dụ phong Thân vương, hơn nữa lại là do bệnh quá nặng, điều này được chứng minh trong nhận định của Càn Long Đế khi ấy:「"Trong các hoàng tử của Trẫm, duy có Hoàng trưởng tử cùng Hoàng ngũ tử, nhân vì bệnh nguy kịch mà gia phong Thân vương"; 朕於諸子中,惟皇長子、皇五子,皆因病劇時始加封親王」. Trước khi ban ra chỉ tấn phong Thân vương, Càn Long Đế cũng ra chỉ dụ trách cứ quan viên bên cạnh Vĩnh Kỳ rằng:「"Chứng bệnh của Ngũ a ca qua trị liệu mấy tháng vẫn chưa khỏi. Theo đại phu khám bệnh, là do hư tổn bên trong mà gây ra. Nếu có thể sớm phát hiện chứng bệnh mà điều trị, thì rất có thể cứu chữa. Thế mà bọn Trương Như Phan, Tống Quốc Thụy lại không tận tình, trong thời gian tháng 5 năm nay cũng không hề để ý mà bẩm báo bệnh tình. Trương Như Phan cùng Tống Quốc Thụy đều giao cho Nội vụ phủ Đại thần trị tội"」[1]. Có thể thấy rõ vào thời điểm phong tước, bệnh của Vĩnh Kỳ hoàn toàn không thể cứu chữa, chứ không phải vì Càn Long Đế kỳ vọng Vĩnh Kỳ mà gia phong.

Sang năm sau (1766), ngày 8 tháng 3 (âm lịch), buổi trưa, Vinh Thân vương Vĩnh Kỳ qua đời, khi 26 tuổi. Thụy hiệu là Thuần (純). Chữ ["Thuần"] trong thụy của ông, Mãn văn là 「gulu」, ý là "Thuần khiết", "Chính đáng", một chữ thụy không thường thấy của một tông thất hoàng thân.

Sau khi Vĩnh Kỳ qua đời, hệ Vinh vương phủ trải qua các đời, cũng không có một chút ân sủng vượt bậc nào, là đúng quy chuẩn thừa tự của một huyết mạch khác phái của Hoàng thất. Tòa phủ đệ của một chi Vinh vương nằm ở Thái Bình phố (太平街) thuộc Bắc Kinh, được ban vào năm Càn Long thứ 49 (1785) cho Miên Ức. Sang thời Đạo Quang, một chi hệ Vinh vương phủ phải dọn nhà sang Bắc Sá tiểu phủ (北岔小府) của Đại Phật tự (大佛寺). Khi phân phủ, một chi Vinh vương phủ nhập vào Chính Hồng kỳ bên cánh hữu, là cùng một kỳ tịch với Tuần vương phủ (hậu duệ Vĩnh Chương), Thụy vương phủ (hậu duệ Miên Hân) và Ẩn vương phủ (hậu duệ Dịch Vĩ).